Dỗ con ngủ bằng thuốc phiện
Aziza sinh ra trong một gia đình nghèo làm thợ dệt thảm ở tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan. Cô không có giáo dục, không có kiến thức về sự hiểm nguy mà thuốc phiện mang lại. Mỗi sáng, cứ khi con khóc, người mẹ trẻ này lại cho đứa con nhỏ một viên thuốc phiện, để dỗ con ngủ và người mẹ lại miệt mài ngồi dệt, mà không sợ bị quấy rầy.
Không chỉ có Aziza, tại Afghanistan, nhiều bà mẹ nuôi con bằng thuốc phiện, chỉ cần đứa bé khóc, đói, đòi đồ chơi hay đau bụng, ho… chúng đều được dỗ ngọt bằng thuốc phiện.
Một đứa trẻ Afghanistan trên cánh đồng trồng cây thuốc phiện.
Tại làng Jokhan, Sadaf, một bà mẹ của 4 đứa trẻ sử dụng thuốc phiện như một loại thuốc an thần bằng cách hút khói thuốc phiện từ một chiếc tẩu và sau đó thổi khói này vào miệng những đứa con của mình. Nhưng người phụ nữ này không hề biết khói thuốc phiện sẽ chỉ làm trầm trọng thêm bệnh tình của chúng và tệ hại hơn, chúng sẽ trở thành những con nghiện thuốc phiện giống như mẹ của mình.
Gương mặt những đứa trẻ này hốc hác và giống như những con nghiện ma tuý. Chúng thường xuyên lên cơn hen suyễn và ho khan. Trong tình trạng kém vệ sinh, việc lạm dụng thuốc phiện sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và hậu quả là rất nghiệm trọng đối với sức khỏe.
Khi các em dần trưởng thành đã nghiễm nhiên trở thành một con nghiện. Và những con nghiện này lại không có cơ hội đến các trung tâm cai nghiện do sợ hãi và do những điều kiêng kỵ của xã hội. Vì thế, số lượng những con nghiện là trẻ em ở đất nước này đang tăng theo cấp số nhân, trở thành một hiện tượng đau lòng trong xã hội.
Một người mẹ khác có con gái tên Najiba (13 tuổi) cho biết: “Khi con bé mới sinh khoảng 2 tháng, nó khóc liên tục, vì thế, tôi bắt đầu ấn thuốc phiện vào miệng để nó im lặng. Chẳng còn cách nào khác”. Cứ như vậy, chỉ mới 13 tuổi, nhưng cô bé đã bị nghiện thuốc phiện suốt 12 năm qua. Trường hợp của Najiba cũng là trường hợp của hàng ngàn trẻ em tại Afghanistan.
Đất nước của những… con nghiện
Bộ Y tế Afghanistan đã thử mang 120 người nghiện của một ngôi làng tới một cơ sở cai nghiện. 3 tháng sau cai, 115 người tái nghiện vì vẫn có những người trong gia đình nghiện thuốc.
Ở nhiều quốc gia khác, ma túy bắt nguồn từ giới trẻ trong độ tuổi trưởng thành, còn ở Afghanistan, nghiện ma túy đã trở thành một truyền thống gia đình. Thậm chí có những em bé được nếm mùi thuốc phiện từ trong bụng mẹ.
Nghiên cứu của LHQ cho biết, quá nửa những người nghiện thuốc đã biến con, cháu mình trở thành những con nghiện mới. Một nghiên cứu của Quỹ Dân số LHQ cũng cho biết, cứ mỗi 100.000 bà mẹ mang thai thì có đến 6.500 sản phụ qua đời trong thời kỳ mang thai, tại thời điểm sinh con hay trong thời gian sơ sinh của đứa bé.
Hiện nay, Afghanistan cung cấp cho thế giới 90% heroin. Khi các khu vực trồng cây hoa anh túc, sản xuất thuốc phiện vẫn chưa được triệt phá hoàn toàn thì hiện tượng nghiện thuốc ở trẻ em vẫn lan tràn trong cộng đồng là điều dễ hiểu. LHQ cho biết khoảng 8% dân số Afghanistan nghiện ma túy, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình của thế giới.
Trong phúc trình được công bố hồi cuối tháng 12-2010, Văn phòng Bài trừ ma tuý và Tội phạm của LHQ nói rằng 1 triệu người Afghanistan nghiện ma túy, với số người nghiện thuốc phiện tăng hơn 50% và nghiện heroin tăng hơn 140% so với năm 2005.
Khảo sát của Cục Ma túy quốc tế và Thi hành luật của Mỹ được tiến hành trong 2 năm tại 2.000 gia đình ở 22 tỉnh cũng cho thấy, độ tuổi trung bình của trẻ em Afghanistan khi bắt đầu sử dụng thuốc phiện là 9 tháng đến 1 năm tuổi. Trong rất nhiều trường hợp, nồng độ độc hại do sử dụng heroin ở trẻ em cao hơn gấp nhiều lần so với người trưởng thành.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi các trung tâm cai nghiện mới của Afghanistan, với con số rất ít ỏi, chỉ nằm ở những thành phố lớn.
Bên cạnh đó, những tập tục của Afghanistan cũng đã ngăn cản phần lớn những con nghiện là phụ nữ và trẻ em đến những trung tâm cai nghiện để điều trị. Theo LHQ, 1 triệu người nghiện thuốc phiện, trong đó có nhiều trẻ em tại Afghanistan là một con số rất đáng báo động, có thể khiến thế hệ tương lai Afghanistan chỉ biết sống phụ thuộc vào ma túy.