Truyện Cười BlogTaPhiet KC

Chat Box


--------------:Search

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

KHẢO SÁT CÁC LỚP TRONG MÔ HÌNH OSI



I. KHẢO SÁT CHI TIẾT LỚP 2 (DATA LINK).

Lớp 1 liên quan đến môi trường, liên quan các tín hiệu, các luồng bit di chuyển trên môi trường, các thành phần dựa dữ liệu ra môi trường và các cấu hình khác nhau. Nó thực hiện vai trò thiết yếu cho hoạt động truyền tin khả thi giữa các máy tính, nhưng với nỗ lực một mình của nó thì không đủ. Mỗi chức năng có các hạn chế của nó. Lớp 2 hướng tới khắc phục hạn chế này. Ứng với mỗi hạn chế trong lớp 1, lớp 2 có một giải pháp. Ví dụ lớp 1 không thể thông tin với các lớp trên, lớp 2 làm việc này thông qua LLC (Logical Link Control). Lớp 1 không đặt tên hay định danh cho máy tính thì lớp 2 dùng một lược đồ địa chỉ. Lớp 1 không thể quyết định máy tính nào sẽ truyền dữ liệu nhị phân từ một nhóm cùng muốn truyền tại cùng một thời điểm. Lớp 2 dùng một hệ thống gọi là MAC (Media Access Control).

I.1. Lớp con LLC.
Lớp con LCC tạo ra tính năng linh hoạt trong việc phục vụ cho các giao thức lớp mạng trên nó, trong khi vẫn liên lạc hiệu quả với các kỹ thuật khác nhau bên dưới nó. LLC với vai trò là lớp phụ tham gia vào quá trình đóng gói. LLC nhận đơn vị dữ liệu giao thức lớp mạng, như là các gói IP, và thêm nhiều thông tin điều khiển vào để giúp phân phối gói IP đến đích của nó. Nó thêm hai thành phần địa chỉ của đặc tả 802.2 điểm truy xuất dịch vụ đích DSAP (Destination Service Access Point) và điểm truy xuất dịch vụ nguồn SSAP (Source Service Access Point). Nó đóng gói trở lại dạng IP, sau đó chuyển xuống lớp phụ MAC để tiến hành các kỹ thuật đặc biệt được yêu cầu cho đóng gói tiếp theo. Lớp phụ LLC quản lý hoạt động thông tin giữa các thiết bị qua một liên kết đơn trên một mạng. LLC được định nghĩa trong đặc tả IEEE 802.2 và hỗ trợ các dịch vụ kết nối có cả tạo cầu nối và không tạo cầu nối, được dùng bởi các giao thức lớp cao hơn. IEEE 802.2 định nghĩa ra một số field trong các frame của lớp liên kết dữ liệu cho phép nhiều giao thức lớp cao hơn chia sẻ một liên kết vật lý đơn.
I.2. Lớp con MAC.
Lớp con MAC đề cập đến các giao thức chủ yếu phải theo để truy xuất vào môi trường vật lý. Tóm lại, lớp 2 có 4 khái niệm chính mà cần phải biết:
- Lớp 2 thông tin với các lớp trên thông qua LLC.
- Lớp 2 dùng chuẩn địa chỉ hóa ngang bằng (đó là gán các định danh duy nhất-các địa chỉ).
- Lớp 2 dùng kỹ thuật đóng frame để tổ chức hay nhóm dữ liệu.
- Lớp 2 dùng MAC để chọn máy tính nào sẽ truyền các dữ liệu nhị phân, từ một nhóm trong đó tất cả các máy tính đều muốn truyền cùng một lúc.
I.3. Quá trình tìm địa chỉ MAC:
Với mạng TCP/IP, thì gói tin phải chứa cả địa chỉ MAC đích và địa chỉ IP đích. Nếu một trong hai địa chỉ này không đúng thì gói tin cũng xem như là không gởi được đến đích. ARP là một giao thức dùng để tìm địa chỉ MAC của một thiết bị mạng dựa trên địa chỉ IP đã biết.
Một vài thiết bị có lưu trữ bảng chứa địa chỉ IP và địa chỉ MAC tương ứng với IP đó (của các thiết bị trong cùng mạng LAN với nó). Bảng này được gọi là bảng ARP. Bảng ARP này được lưu giữ trong RAM, và khi thiết bị gởi gói tin lên mạng thì nó sử dụng thông tin trong bảng ARP này.
Có 2 cách để thu thập thông tin cho bảng địa chỉ MAC.
- Khi có một gói tin được gởi trên đường truyền, thiết bị luôn kiểm tra địa chỉ đích của gói tin (địa chỉ IP và địa chỉ MAC) có phải là của mình hay không? Sau khi kiểm tra, địa chỉ IP và địa chỉ MAC đều được lưu vào trong bảng ARP.
- Cách thu thập thông tin thứ 2 là thu thập qua gói tin broadcast ARP request. Khi máy tính gởi một gói tin broadcast dạng ARP request thì tất cả các máy khác trên mạng đều phân tích gói tin này.
+ Nếu như địa chỉ IP đích của thiết bị mạng cần tìm là địa chỉ thuộc cùng đường mạng với địa chỉ máy gửi.
. Nếu máy đó nhận được gói tin thì máy sẽ trả lời bằng một gói tin ARP reply (trong đó có địa chỉ MAC và địa chỉ IP của máy).
. Nếu địa chỉ đích không tồn tại hoặc thiết bị chưa hoạt động thì sẽ không có gói tin ARP reply.
+ Nếu địa chỉ IP đích của thiết bị mạng cần tìm là địa chỉ khác đường mạng thì việc tìm địa chỉ MAC thường được làm thông qua Router, có hai cách để thực hiện:
. Nếu Router bật tính năng cho phép thực hiện Proxy ARP. Thì khi nhận được gói tin broadcast ARP request, Router sẽ kiểm tra xem địa chỉ đích có khác đường mạng với địa chỉ nguồn không? Nếu khác địa chỉ nguồn thì Router sẽ trả về một ARP response để trả lời (trong gói tin này sẽ chứa địa chỉ MAC – địa chỉ MAC của interface nhận gói tin ARP request).
. Nếu máy tính gửi có khai báo địa chỉ Default Gateway thì máy tính sẽ gởi gói tin đến Default Gateway để Default Gateway gởi tiếp.
Nếu máy tính nguồn không khai báo Default Gateway và tính năng thực hiện Proxy ARP không bật thì hai máy tính có địa chỉ đường mạng khác nhau sẽ không thể liên lạc được với nhau.
I.4. Các phương pháp truy cập đường truyền.
I.4.1 Cảm sóng đa truy (CSMA/CD).
Khía cạnh thú vị nhất của Ethernet là kỹ thuật đường dùng trong việc phối hợp truyền thông. Mạng Ethernet không điều khiển tập trung đến việc các máy luân phiên chia sẻ đường cáp. Lúc đó các máy nối với Ethernet sẽ tham gia vào một lược đồ phối hợp phân bổ gọi là Cảm sóng đa truy (CSMA – Carrier Sence with Multiple Access). Để xác định cáp có đang dùng không, máy tính có thể kiểm tra sóng mang (carrier - dạng tín hiệu mà máy tính truyền trên cáp). Nếu có sóng mang, máy phải chờ cho đến khi bên gởi kết thúc. Về mặt kỹ thuật, kiểm tra một sóng mang được gọi là cảm sóng (carrier sence), và ý tưởng sử dụng sự hiện hữu của tín hiệu để quyết định khi nào thì truyền gọi là Cảm sóng đa truy (CSMA).
Vì CSMA cho phép mỗi máy tính xác định đường cáp chia sẻ có đang được máy khác sử dụng hay không nên nó ngăn cấm một máy cắt ngang việc truyền đang diễn ra. Tuy nhiên, CSMA không thể ngăn ngừa tất cả các xung đột có thể xảy ra. Để hiểu lý do tại sao, hãy tưởng tượng chuyện gì xảy ra nếu hai máy tính ở hai đầu cáp đang nghỉ nhận được yêu cầu gởi khung. Cả hai cùng kiểm tín hiệu mang, cùng thấy cáp đang trống và cả hai bắt đầu gởi khung. Các tín hiệu phát từ hai máy sẽ gây nhiễu lẫn nhau. Hai tín hiệu gây nhiễu lẫn nhau gọi là xung đột hay đụng độ (collision). Vùng có khả năng xảy ra đụng độ khi truyền gói tin được gọi là Collision Domain. Máy đầu tiên trên đường truyền phát hiện được xung đột sẽ phát sinh tín hiệu xung đột cho các máy khác. Tuy xung đột không làm hỏng phần cứng nhưng nó tạo ra một sự
truyền thông méo mó và hai khung nhận được sẽ không chính xác. Để xử lý các biến cố như vậy, Ethernet yêu cầu mỗi bên gởi tín hiệu giám sát (monitor) trên cáp để bảo đảm không có máy nào khác truyền đồng thời. Khi máy gởi phát hiện đụng độ, nó ngưng truyền ngay lập tức, và tiếp tục bắt đầu lại quá trình chuẩn bị việc truyền tin sau một khoảng thời gian ngẫu nhiên. Việc giám sát cáp như vậy gọi là phát hiện đụng (CD – collision detect), và kỹ thuật Ethernet đó được gọi là Cảm sóng đa truy với phát hiện đụng (CSMA/CD).
I.4.2 Chuyển thẻ bài (Token-passing):
Chúng ta đã biết mạng LAN vòng nối các máy thành một vòng tròn kín. Hầu hết các LAN dùng đồ hình vòng cũng sử dụng một kỹ thuật truy cập gọi là chuyển thẻ bài (token-passing). Khi một máy cần chuyển dữ liệu, nó phải chờ phép trước khi truy cập mạng. Khi giữ được thẻ bài, máy gởi hoàn toàn giữ quyền điều khiển vòng – không có các truyền thông nào khác xảy ra đồng thời. Khi máy gởi truyền frame, các bit chuyển từ máy gởi sang máy kế, và chuyển tiếp sang máy kế và cứ thế cho đến khi các bit đi hết vòng và trở về máy gởi.
Tín bài là một khuôn mẫu bit khác với khung dữ liệu thông thường. Thực chất là tín bài trao quyền cho một máy được gởi khung. Như vậy trước khi gởi khung, máy phải chờ tín bài đến. Khi tín bài đến, máy tạm thời loại bỏ tín bài ra khỏi vòng và bắt đầu truyền dữ liệu trên vòng. Tuy có thể có nhiều khung đang chờ gởi đi nhưng máy chỉ gởi một frame và truyền lại tín bài. Không như khung dữ liệu dữ liệu đi hết một vòng khi được gởi, tín bài chỉ đi thẳng từ một máy đến máy kế tiếp.
Nếu tất cả các máy trên mạng vòng cần gởi dữ liệu, chuyển tín bài bảo đảm chúng sẽ đến lược và mỗi máy sẽ gởi một frame trước khi chuyển tín bài. Lưu ý là lược đồ này bảo đảm truy cập công bằng: khi tín bài chuyển trên vòng, mỗi máy sẽ có cơ hội sử dụng mạng. Nếu một máy nào đó không gởi dữ liệu khi nhận được tín bài, nó chỉ việc chuyển tín bài mà không trì hoãn. Trong trường hợp đặc biệt không có máy nào truyền dữ liệu, tín bài sẽ quay vòng liên tục, mỗi máy khi nhận được tín bài sẽ chuyển ngay lập tức đến máy kế. Thời gian chuyển tín bài một vòng trong trường hợp này là cực ngắn, vì 2 lý do. Thứ nhất, vì tín bài nhỏ nên có thể chuyển rất nhanh trên đường dây. Thứ hai, sự chuyển tiếp trên mỗi máy được thực hiện bởi phần cứng vòng, điều đó có nghĩa tốc độ không phụ thuộc vào CPU của máy.
II. KHẢO SÁT CHI TIẾT LỚP 3 (NETWORK).
Chức năng quan trọng nhất của lớp Network là định tuyến (Routing), định tuyến là quá trình chuyển thông tin qua mạng từ nơi gởi tới nơi nhận. Định tuyến có hai thành phần là chuyển mạch (switching) và chọn đường (path determination).
Trong quá trình switching, bên gởi (source or sender) thêm vào địa chỉ bên gởi, địa chỉ bên nhận, địa chỉ vật lý (MAC), địa chỉ của Router đầu tiên (hay là địa chỉ Default-Gateway) mà packet tới. Khi packet tới Router, Router sẽ xác định địa chỉ IP đích của packet (còn gọi là destination IP address), nếu như Router không nhận ra IP đích thì nó sẽ bỏ packet, nếu ngược lại thì Router sẽ chuyển packet tới địa chỉ đích hoặc chuyển packet tới Router kế tiếp (next Router), khi đó Router nó sẽ thay thế MAC nguồn, và MAC đích bằng MAC trên interface của nó và MAC trên next hop Router, khi packet chuyển qua mạng lớn (qua nhiều Router) thì địa chỉ IP nguồn (source address) và địa chỉ IP đích (destination address) không thay đổi nhưng địa chỉ vật lý (địa chỉ MAC) bị thay đổi tại mỗi hop.
Thành phần thứ hai của routing là Path-Determination, Router cần có một số cách xác định con đường đi ngắn nhất để chuyển packet tới đích, Router cần có nhiều thông tin từ người quản trị (người quản trị phải làm công việc định tuyến) hay từ các Router khác để xây dựng bảng routing (Router tự học định tuyến thông qua các giao thức) mà thông tin này giúp cho nó định tuyến packet đi tới đích. Trong bảng routing
địa chỉ mạng đích được ánh xạ tới interface (cổng) thích hợp trên Router, thông qua interface này packet có thể đi tới nó.
Khi có sự thay đổi trên mạng các Router trao đổi với nhau bằng các exchanging message để cập nhật lại bảng routing. Các exchanging message bao gồm:
- Routing update message.
- Link-state advertiment (trạng thái của sender’s link).
Theo định nghĩa của một số nghi thức routing như RIP, IGRP,… cứ sau một khoảng thời gian (interal time) nó sẽ gởi update message tới các Router khác để cập nhật về sự thay đổi thông tin trên mạng. Khi các Router này nhận được thông tin update, nó sẽ kiểm tra trong bảng routing table của nó với thông tin update nếu có sự thay đổi thì nó sẽ xóa entry tương ứng và cập nhật thông tin mới vào, ngược lại thì nó sẽ không cập nhật thông tin.

Routing Algorithm là thuật toán định tuyến cho phép chọn Router, chọn con đường đi tốt nhất để gởi dữ liệu đến đích. Routing Algorithm tùy thuộc vào các yếu tố sau :

- Design.
- Metrics.
- Type.

Design bao gồm:

Tính đơn giản (simplicity) là thành phần rất quan trọng trong hệ thống giúp giới hạn tài nguyên vật lý (physical resource).

Tính linh hoạt (plexibility) để cho phép mạng thích ứng nhanh với sự thay đổi và phát triển của hệ thống, ví dụ như sự thay đổi về băng thông kích thước hàng đợi, độ trễ,…

Sự hội tụ (convergence) tính hội tụ thông tin là mục đích quan trọng của thuật toán routing, tính hội tụ nhanh làm cho thông tin trong bảng routing được thống nhất một cách nhanh chóng.

Ngược lại nó sẽ làm phá vỡ tính thống nhất thông tin định tuyến giữa các Router.


Tính tối ưu (optimality): là khả năng mà nghi thức định tuyến lựa chọn đường đi tốt nhất để truyền dữ liệu, để xác định con đường đi tốt nhất Router dựa vào metric và weighting (trọng lượng) của mỗi metric.

Metric được sử dụng trong thuật toán định tuyến để lựa chọn con đường đi tốt nhất, nó bao gồm :
- Hop count và path length.
- Reliability.
- Load.
- Delay.
- Bandwidth.
- Maximum Tranmission Unit (MTU).

Hop count là số lượng host (hay là số lượng Router) mà packet phải đi qua từ nguồn tới đích.

Mỗi một đường truyền được gán bởi một giá trị, chỉ có người quản trị mạng mới thay đổi giá trị này, tổng giá trị của các đường truyền đó gọi là path length.

Reliability là metric cho phép đánh giá mức độ lỗi của một đường truyền.

Load khả năng tải hiện tại trên đường truyền (busy link) dựa vào số lượng packet được truyền trong thời gian 1 giây, mức độ xử lý hiện tại của cpu (CPU Utilization).
Delay metric thực sự để đo lường một số tác động của một số đại lượng trên đường truyền như băng thông (bandwidth), tắc nghẽn đường truyền (conguestion), khoảng cách đường truyền (distance), khả năng mang thông tin trên đường truyền còn gọi là băng thông của đường truyền được tính băng số bit/giây mà đường truyền đó có thể truyền thông tin, số lượng traffic trên đường truyền quá nhiều sẽ làm giảm băng thông có sẵn cho đường truyền.

MTU là chiều dài tối đa của thông điệp (tính bằng byte) mà nó có thể truyền trên đường truyền. MTU của mỗi môi truyền truyền vật lý thì khác nhau. Ví dụ MTU cho ethernet là 1500.

III. KHẢO SÁT CHI TIẾT LỚP 4 (TRANSPORT)

Các dịch vụ trên lớp transport cho phép phân mảnh và tập hợp dữ liệu vào cùng transport-layer data stream, Transport-layer data stream là một kết nối logic giữa bên gởi và bên nhận trên mạng. Lớp Transport cung cấp các đặc tính sau :

Reliability (tin cậy) bằng cách đánh số thứ tự của các segment (source secquence), bên nhận thông báo cho bên gởi biết rằng nó đã nhận được dữ liệu bằng cách thông báo các ACK (acknownledgements).

Flow Control: là kỹ thuật cho phép điều khiển buffer bên nhận, bên nhận sử dụng kỹ thuật này để ngăn không cho bên gởi gởi dữ liệu quá nhanh làm tràn buffer của bên nhận.

- Hai protocol ở lớp transport layer là TCP và UDP,

III.1. Giao thức TCP (TCP protocol).
TCP cung cấp kết nối tin cậy giữa hai máy tính, kết nối được thiết lập trước khi dữ liệu bắt đầu truyền.
TCP còn gọi là nghi thức hướng kết nối, với nghi thức TCP thì quá trình hoạt động trải qua ba bước sau:
- Thiết lập kết nối (connection establishment).
- Truyền dữ liệu (data tranfer).
- Kết thúc kết nối (connection termination).
TCP phân chia các thông điệp thành các segment, sau đó nó ráp các segment này lại tại bên nhận, và nó có thể truyền lại những gói dữ liệu nào đã bị mất. Với TCP thì dữ liệu đến đích là đúng thứ tự, TCP cung cấp Virtual Circuit giữa các ứng dụng bên gởi và bên nhận.
Giao thức TCP thiết lập một kết nối bằng phương pháp "Bắt tay 3 lần" (three-way handshake)

Hình vẽ dưới đây là một ví dụ về cách thức truyền, nhận gói tin bằng giao thức TCP.
Giao thức TCP là giao thức có độ tin cậy cao, nhờ vào phương pháp truyền gói tin, như cơ chế điều khiển luồng (flow control), các gói tin ACK,…
Hình vẽ sau đây thể hiện gói tin của TCP.
Các thành phần trong gói tin:
- Source port: port nguồn
- Destination Port: port đích
- Sequence number: số tuần tự (để sắp xếp các gói tin theo đúng trật tự của nó).
- Acknowledgment number (ACK số): số thứ tự của Packet mà bên nhận đang chờ đợi.
- Header Length: chiều dài của gói tin.
- Reserved: trả về 0
- Code bit: các cờ điều khiển.
- Windows: kích thước tối đa mà bên nhận có thể nhận được
- Checksum: máy nhận sẽ dùng 16 bit này để kiểm tra dữ liệu trong gói tin có đúng hay không.
- Data: dữ liệu trong gói tin (nếu có).
III.2. Giao thức UDP (UDP protocol).
UDP không giống như TCP, UDP là nghi thức phi kết nối, nghĩa là dữ liệu gởi tới đích là không tin cậy. Bởi vì kết nối không được tạo trước khi dữ liệu truyền, do đó UDP nhanh hơn TCP.
UDP là nghi thức không tin cậy, nó không đảm bảo dữ liệu đến đích là không bị mất, đúng thứ tự mà nó nhờ các nghi thức ở lớp trên đảm nhận chức năng này. UDP có ưu thế hơn TCP:
- Nhờ vào việc không phải thiết lập kết nối trước khi thật sự truyền dẫn dữ liệu nên truyền với tốc độ nhanh hơn.
- Bên nhận không cần phải trả về gói tin xác nhận (ACK) nên giảm thiểu sự lãng phí băng thông.
Các thành phần trong gói tin UDP:
- Source Port: port nguồn.
- Destination Port: port đích.
- UDP Length: chiều dài của gói tin.
- UDP Checksum: dùng để kiểm tra gói tin có bị sai lệch hay không
- Data: dữ liệu đi kèm trong gói tin (nếu có).
III.3. Khái niệm Port.
Trong cùng một thời điểm, một máy tính có thể có nhiều chương trình đang chạy. Vậy làm sao để xác định một gói tin sẽ được chương trình nào sử dụng?
Khái niệm Port ra đời để giải quyết chuyện đó. Mỗi chương trình ứng dụng mạng đều có một Port xác định. Để gởi gói tin đến một chương trình tại máy tính A, ta chỉ cần gởi gói tin đến địa chỉ IP của máy A, và Port mà chương trình đó đang sử dụng.
TCP hoặc UDP dùng port hoặc socket, nó là con số mà thông qua đó thông tin được truyền lên các lớp cao hơn. Các con số port được dùng trong việc lưu vết các cuộc hội thoại khác nhau trên mạng xảy ra trong cùng một thời điểm. Port là một loại địa chỉ logic trên một máy tính, là con số 2 byte. Các port có giá trị nhỏ hơn 1024 được dùng làm các port chuẩn. Các ứng dụng dùng port riêng có giá trị lớn hơn 1024. Các giá trị port được chứa trong phần địa chỉ nguồn và đích của mỗi segment TCP.
Một ứng dụng có thể sử dụng port riêng trong miền cho mình để giao dịch trên mạng nhưng chú ý là không được trùng với các port chuẩn.
Ví dụ một số port chuẩn mà các phần mềm sử dụng
- HTTP: Port number 80
- FTP: Port number 21
- DNS: Port number 53
- Telnet: Port number 23
- SMTP: Port number 25
- TFTP: Port number 69
- SNMP: Port number 161
- RIP: Port number 520
IV. CÁC MÔ HÌNH FIREWALL.
IV.1. Giới thiệu về Firewall.
Firewall hay còn gọi là bức tường lửa được hiểu như là một hệ thống máy tính và thiết bị mạng giúp ta có thể bảo mật và giám sát các truy xuất từ bên trong ra ngoài và ngược lại từ bên ngoài vào trong từ đó ta có thể phòng chống các truy cập bất hợp pháp.
IV.2. Dual homed host.
Firewall kiến trúc kiểu Dual-homed host được xây dựng dựa trên máy tính dual-homed host. Một máy tính được gọi là dual-homed host nếu nó có ít nhất hai network interface, có nghĩa là máy đó có gắn hai card mạng giao tiếp với hai mạng khác nhau và như thế máy tính này đóng vai trò là Router mềm. Kiến trúc dual-homed host rất đơn giản. Dual-homed host ở giữa, một bên được kết nối với Internet và bên còn lại nối với mạng nội bộ (LAN).
Dual-homed host chỉ có thể cung cấp các dịch vụ bằng cách ủy quyền (proxy) chúng hoặc cho phép users đăng nhập trực tiếp vào dual-homed host. Mọi giao tiếp từ một host trong mạng nội bộ và host bên ngoài đều bị cấm, dual-homed host là nơi giao tiếp duy nhất.
IV.3. Screened Host.
Screened Host có cấu trúc ngược lại với cấu trúc Dual-homed host. Kiến trúc này cung cấp các dịch vụ từ một host bên trong mạng nội bộ, dùng một Router tách rời với mạng bên ngoài. Trong kiểu kiến trúc này, bảo mật chính là phương pháp Packet Filtering.
Bastion host được đặt bên trong mạng nội bộ. Packet Filtering được cài trên Router. Theo cách này, Bastion host là hệ thống duy nhất trong mạng nội bộ mà những host trên Internet có thể kết nối tới.Mặc dù vậy, chỉ những kiểu kết nối phù hợp (được thiết lập trong Bastion host) mới được cho phép kết nối. Bất kỳ một hệ thống bên ngoài nào cố gắng truy cập vào hệ thống hoặc các dịch vụ bên trong đều phải kết nối tới host này. Vì thế Bastion host là host cần phải được duy trì ở chế độ bảo mật cao.
Packet filtering cũng cho phép bastion host có thể mở kết nối ra bên ngoài. Cấu hình của packet filtering trên screening router như sau:
- Cho phép tất cả các host bên trong mở kết nối tới host bên ngoài thông qua một số dịch vụ cố định.
- Không cho phép tất cả các kết nối từ các host bên trong (cấm những host này sử dụng dịch proxy thông qua bastion host).
Bạn có thể kết hợp nhiều lối vào cho những dịch vụ khác nhau:
- Một số dịch vụ được phép đi vào trực tiếp qua packet filtering.
- Một số dịch vụ khác thì chỉ được phép đi vào gián tiếp qua proxy.
Bởi vì kiến trúc này cho phép các packet đi từ bên ngoài vào mạng bên trong, nó dường như là nguy hiểm hơn kiến trúc Dual-homed host, vì thế nó được thiết kế để không một packet nào có thể tới được mạng bên trong. Tuy nhiên trên thực tế thì kiến trúc dual-homed host đôi khi cũng có lỗi mà cho phép các
packet thật sự đi từ bên ngoài vào bên trong (bởi vì những lỗi này hoàn toàn không biết trước, nó hầu như không được bảo vệ để chống lại những kiểu tấn công này). Hơn nữa, kiến trúc dual-homed host thì dễ dàng bảo vệ Router (là máy cung cấp rất ít các dịch vụ) hơn là bảo vệ các host bên trong mạng.
Xét về toàn diện thì kiến trúc Screened host cung cấp độ tin cậy cao hơn và an toàn hơn kiến trúc Dual-homed host.
So sánh với một số kiến trúc khác, chẳng hạn như kiến trúc Screened subnet thì kiến trúc Screened host có một số bất lợi. Bất lợi chính là nếu kẻ tấn công tìm cách xâm nhập Bastion Host thì không có cách nào để ngăn tách giữa Bastion Host và các host còn lại bên trong mạng nội bộ. Router cũng có một số điểm yếu là nếu Router bị tổn thương, toàn bộ mạng sẽ bị tấn công. Vì lý do này mà Sceened subnet trở thành kiến trúc phổ biến nhất.
IV.4. Screened Subnet.
Nhằm tăng cường khả năng bảo vệ mạng nội bộ, thực hiện chiến lược phòng thủ theo chiều sâu, tăng cường sự an toàn cho bastion host, tách bastion host khỏi các host khác, phần nào tránh lây lan một khi bastion host bị tổn thương, người ta đưa ra kiến trúc firewall có tên là Sreened Subnet.
Kiến trúc Screened subnet dẫn xuất từ kiến trúc screened host bằng cách thêm vào phần an toàn: mạng ngoại vi (perimeter network) nhằm cô lập mạng nội bộ ra khỏi mạng bên ngoài, tách bastion host ra khỏi các host thông thường khác. Kiểu screened subnet đơn giản bao gồm hai screened router:
Router ngoài (External router còn gọi là access router): nằm giữa mạng ngoại vi và mạng ngoài có chức năng bảo vệ cho mạng ngoại vi (bastion host, interior router). Nó cho phép hầu hết những gì outbound từ mạng ngoại vi. Một số qui tắc packet filtering đặc biệt được cài đặt ở mức cần thiết đủ để bảo vệ bastion host và interior router vì bastion host còn là host được cài đặt an toàn ở mức cao.
Ngoài các qui tắc đó, các qui tắc khác cần giống nhau giữa hai Router.
Interior Router (còn gọi là choke router): nằm giữa mạng ngoại vi và mạng nội bộ, nhằm bảo vệ mạng nội bộ trước khi ra ngoài và mạng ngoại vi. Nó không thực hiện hết các qui tắc packet filtering của toàn bộ firewall. Các dịch vụ mà interior router cho phép giữa bastion host và mạng nội bộ, giữa bên ngoài và mạng nội bộ không nhất thiết phải giống nhau. Giới hạn dịch vụ giữa bastion host và mạng nội bộ nhằm giảm số lượng máy (số lượng dịch vụ trên các máy này) có thể bị tấn công khi bastion host bị tổn thương và thoả hiệp với bên ngoài. Chẳng hạn nên giới hạn các dịch vụ được phép giữa bastion host và mạng nội bộ như SMTP khi có Email từ bên ngoài vào, có lẽ chỉ giới hạn kết nối SMTP giữa bastion host và Email server bên trong.
Chi Tiết Tại :Đây
[Click here to Read More]
Top