Máy tính của bạn khởi động chậm? Các thủ thuật tinh chỉnh BIOS sau có thể giảm thiểu đáng kể thời gian chờ đợi của bạn.
Điều mà tất cả mọi người dùng máy tính đều muốn là máy tính của họ có thể khởi động nhanh hơn. Từ trước đến nay, không có ai trong ngành máy tính nói rằng họ thích phải chờ đợi đến 2 phút từ khi nhấn nút nguồn mở máy đến khi thực sự dùng được máy.
Dĩ nhiên, bạn có thể điều chỉnh Windows để khởi động nhanh hơn. Thí dụ, bạn có thể nâng cấp thêm RAM, bỏ bớt các chương trình trong mục khởi động (startup), và tối ưu hóa Registry. Nhưng chúng ta hãy xét đến mặt khác của vấn đề: đó là hệ thống nhập/xuất cơ bản, hay còn gọi là BIOS (Basic Input/Output System). Phần nằm trên bo mạch chính của máy tính này kiểm soát những gì xảy ra từ khi bạn nhấn nút mở máy tính. Chỉ cần thực hiện vài thay đổi đơn giản là bạn có thể làm máy tính của mình khởi động nhanh hơn một chút, thậm chí nhanh hơn đáng kể.
Trước khi bắt đầu, xin cảnh báo vài điều.
Trước hết, việc “vọc” BIOS có thể gây ra hậu quả không lường (ngoài ý muốn). Nếu bạn không rành về công nghệ, có thể bạn nên tránh can thiệp đến BIOS. Dù bạn không có ý gây tổn hại cho máy, những thay đổi sai thiết lập có thể làm máy tính không khởi động đúng cách.
Thứ hai, trước khi thay đổi một thiết lập nào đó, hãy ghi nhớ hiện trạng của thiết lập để bạn có thể phục hồi nó nếu cần. Vì không có cách nào dễ dàng để chụp lại màn hình BIOS, bạn nên chụp bằng máy ảnh hoặc ghi chú thiết lập này lên giấy.
Sau cùng, khó mà tiên đoán phải theo đường nào sau khi điều chỉnh. Trình đơn và thiết lập BIOS khác nhau giữa máy tính này với máy tính khác. Vài trong số các phương án được liệt kê dưới đây có thể không áp dụng được trên máy của bạn, và máy của bạn có thể có các cách khác ngoài những cách sau.
Cập nhật BIOS
Nếu máy tính của bạn đã xuất xưởng hơn 1 năm, có nhiều khả năng bạn có thể tìm được bản cập nhật BIOS cho máy của bạn. Các nhà sản xuất bo mạch chính thường phát hành bản cập nhật để giải quyết các trục trặc, cập nhật tính năng, và cải thiện hiệu năng của máy.
Để tìm hiểu có bản cập nhật cho máy không, hãy bắt đầu với trang hỗ trợ của hãng bán máy – đặc biệt là nếu bạn mua máy tính từ một hãng như Dell hay HP. Nếu phần mềm hệ thống (firmware) BIOS được liệt kê trong danh sách tải xuống cho máy của bạn, thì ắt hẳn hãng bán máy đã cho thử nghiệm và công nhận phần mềm này rồi. Hoặc, nếu bạn biết được thương hiệu và số mẫu mã của bo mạch chính của máy bạn, bạn có thể xem trang web của hãng sản xuất để tìm bản cập nhật.
Dù làm theo cách nào, hãy nhớ theo hướng dẫn cài đặt đúng theo từng chữ. Quá trình “flashing” (có nghĩa là cập nhật) một hệ BIOS thường xảy ra suôn sẻ, nhưng nếu bạn thực hiện không đúng cách (hoặc nếu bạn có cài đặt sai bản cập nhật), bạn có thể làm hư máy tính của mình. Hãy thực hiện quá trình cài đặt cẩn thận.
Màn hình BIOS cho phép bạn nhanh chóng cấu hình cách máy tính của bạn khởi động.
Truy xuất BIOS
Đôi khi việc vào BIOS (thường được gọi là Setup) có thể là một thách đố. Trên hầu hết các máy tính, một màn hình khởi động được hiển thị khi bạn bật máy, hãy tìm dòng chữ cho biết phải nhấn phím nào để vào Setup. Thường đó là phím F1, F2, F12, hay phím Delete. Bạn có thể có được chỉ vài giây để nhấn vào phím tương ứng trước khi màn hình khởi động biến mất – và thỉnh thoảng bạn làm không kịp. Nếu không thấy có màn hình khởi động, hay nếu màn hình khởi động hiển thị quá nhanh và bạn không đọc kịp, hãy thử nhấn nhanh một vài phím nói trên với hy vọng sẽ tìm được đúng phím. Làm như thế bạn sẽ có thể vào BIOS. Nếu làm tất cả mọi cách mà không được, hãy tham khảo sách hướng dẫn.
Đưa ổ đĩa cứng lên đầu
Hệ BIOS của máy bạn quản lý thứ tự ưu tiên cho các bộ phận khởi động của máy: ổ đĩa cứng, ổ đĩa quang, thiết bị USB… Đôi khi bạn muốn khởi động từ CD hay bút lưu trữ, nhưng thường nhất là bạn muốn ổ đĩa cứng khởi động trước. (Xét cho cùng thì đó là nơi Windows thường trú.) Nếu ổ đĩa cứng không được xếp ưu tiên, bạn sẽ phải chịu bị chậm trong khi hệ thống kiểm tra xem có các ổ đĩa khởi động khác.
Để thay đổi thứ tự khởi động, hãy chọn trình đơn khởi động (Boot) của BIOS, tìm mục thứ tự ưu tiên khởi động (Boot priority order) (hay mục tương tự). Tìm ổ đĩa cứng trong danh sách (có thể với tên khó hiểu như ‘IDE0’ hay ‘WD 1600BEVS-22RST0’), và theo hướng dẫn liệt kê để đưa ổ đĩa cứng lên đầu.
Tắt tính năng POST
Trước đây, các máy tính phải thực hiện thao tác tự kiểm tra khi bật máy (POST – power-on self test) khá lâu. Hiện giờ vẫn còn vài loại máy tính thực hiện thao tác này, dù không còn cần thiết. Nếu máy tính của bạn phải chạy kiểm tra bộ nhớ hay gì đó tương tự, hãy vào BIOS và tìm mục ‘power-on self test’, ‘startup diagnostic’ (chẩn đoán khởi động), hay mục tương tự và vô hiệu hóa mục đó.
Cách khác là tìm kiểu tùy chọn ‘Fast Boot’ hay ‘Quick Boot’ (khởi động nhanh); kích hoạt tùy chọn này, máy sẽ bỏ qua thao tác kiểm tra khởi động và đi thẳng vào quá trình khởi động Windows.
Vô hiệu hóa phần cứng không cần thiết
Không phải người dùng nào cũng thích cổng 1394 (còn gọi là cổng FireWire) hay cổng chuộtPS/2 tích hợp sẵn. Nếu bo mạch chính của bạn có phần cứng mà bạn không sử dụng, hãy xem BIOS có cho phép bạn vô hiệu hóa chúng hay không. Làm như thế bạn sẽ có thể tiết kiệm được 1 đến 2 giây thời gian khởi động, nhưng cũng giúp tăng tốc.
Lưu và khởi động lại
Khi bạn đã thực hiện vài hay tất cả các thay đổi, tìm trình đơn thoát (Exit), rồi chọn Exit Saving Changes (thoát có lưu thay đổi) hay tương tự như vậy. Thao tác này sẽ lưu các thay đổi đã thực hiện và khởi động lại máy tính.
Đăng nhận xét